Bình chọn cho Bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng nằm trong danh sách đề cử “Top 10 bãi biển đẹp của Việt Nam”

Bình chọn cho Bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng nằm trong danh sách đề cử “Top 10 bãi biển đẹp của Việt Nam”

Từ ngày 20/4/2016 đến ngày 20/5/2016 Vietkings và Trung tâm Top Việt Nam sẽ tiến hành đề cử và bình chọn“Top 10 bãi biển đẹp của Việt Nam” trong đó Bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng nằm trong danh sách đề cử. Để giới thiệu hình ảnh thành phố Đà Nẵng thông qua các kênh truyền thông, góp phần bình chọn cho bãi biển Mỹ Khê xinh đẹp, Vui lòng truy cập vào trang web: http://topplus.vn để bình chọn cho bãi biển Mỹ Khê.

Đà Nẵng là nơi tập hợp rất nhiều bãi biển đẹp và nổi tiếng như: Bãi biển Nam Ô, Bãi biển Mỹ Khê, Bãi biển Tiên Sa, Bãi Biển Non Nước… Trong đó, Bãi Biển Mỹ Khê có chiều dài chừng 900m là bãi biển thuộc loại nhộn nhịp nhất và rất quen thuộc với mọi người dân thành phố cũng như du khách quốc tế.

Bãi biển Mỹ Khê nổi tiếng với cát trắng mịn, sóng biển ôn hòa, nước ấm quanh năm, cùng hàng dừa thơ mộng, đẹp tuyệt vời bao quanh. Khách du lịch có thể tắm biển gần như suốt năm, nhưng thích hợp nhất là mùa hè, khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch. Chưa kể, do bờ biển không sâu, khách sẽ có cảm giác yên tâm vừa bơi lội vừa thư thái ngắm ngọn Ngũ Hành Sơn hùng vĩ và đảo Cù Lao Chàm ở phía xa Hội An…
Giống như các bãi biển khác của Đà Nẵng, Mỹ Khê phát triển khá mạnh các loại hình dịch vụ phục vụ du khách như: câu cá, lướt ván, lặn, du thuyền. Bãi tắm có hệ thống cứu hộ gồm chòi canh, phao cứu sinh, cờ báo hiệu vùng nước xoáy và lực lượng cứu hộ túc trực ngày đêm, sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có người bị nạn.

Khi hoàng hôn buông xuống, Mỹ Khê khoác lên mình một tấm áo mới mang màu sắc trầm lặng hơn, tĩnh mịch hơn, không gian của thời khắc giao hòa giữa ngày và đêm dường như đặc quánh và vô tình khiến cho lòng người lữ khách có cảm giác bị chùng xuống bất chợt.

Nguồn: Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng.

Hấp dẫn “Chợ phiên đồ xưa Đà Thành năm 2016”

Sáng 28/4, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức “Chợ phiên đồ xưa Đà Thành năm 2016” thu hút đông đảo người dân và giới sưu tầm đồ xưa, đồ cổ đến tham quan, trao đổi, mua bán.

   Phiên chợ có 12 gian hàng trưng bày là là các bộ sưu tập có giá trị về lịch sử, văn hóa đến những vật dụng, đồ dùng gắn liền với đời sống thường nhật của người dân trước đây như: gốm sứ Chu Đậu, Bát Tràng, gốm sứ triều Nguyễn; tiền ban thưởng và tiền cổ; những chiếc đèn dầu Mỹ, đèn bầu pha lê Pháp, quạt con cóc, mắt kính, ấm chén, đồng hồ, bình hoa, đồ đựng trầu, băng đĩa cũ hay những kỷ vật chiến tranh như bi đông, lược nhôm làm từ thân máy bay đến đồ dùng còn sót lại từ thời bao cấp như bát sành, bát sứ, lọ hoa, đồng hồ đeo tay, điện thoại bàn, mũ nón, bàn ủi, xe máy…

anh5.Du khach tham quan2

Du khách nước ngoài lẫn trong nước thích thú với những đồ xưa tại phiên chợ.

“Chợ phiên đồ xưa Đà Thành” diễn ra từ ngày 28/4 đến 04/5/2016.

Nguồn: Đình Phong.

Phong phú các hoạt động Lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật 2016

Các hoạt động trong Lễ hội giao lưu văn hóa lần Việt – Nhật 2016 cần được hướng đến theo chủ đề chính của từng năm để có sự khác biệt giữa các năm, tránh cảm giác dàn trải, nhàm chán; tùy theo chủ đề chính mà có các hoạt động phù hợp, lưu ý tất cả các hoạt động cần có chiều sâu văn hóa và có sự tương đồng giữa 2 nền văn hóa, làm toát lên đặc trưng của văn hóa Việt – Nhật. Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng tại cuộc họp ngày 26-4 về công tác chuẩn bị Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nhật 2016, từ ngày 29-31/7 tại Cảng Đà Nẵng.

lehoi2

Phó Chủ tịch cũng yêu cầu tổ chức tốt giao lưu ẩm thực, trong đó chú ý việc giới thiệu về nguồn gốc món ăn, cách chế biến, ăn như thế nào cho đúng… để khách tham dự hiểu thêm về nghệ thuật ẩm thực 2 nước. Đồng thời, vào mỗi ngày cần có chương trình “đinh” để có thành phần mời tương ứng với không gian phù hợp; mở rộng thành phần khách mời qua đó mục đích chính vẫn là thu hút đầu tư. Vấn đề đảm bảo vệ sinh, mỹ quan và an toàn trong Lễ hội phải hết sức chú trọng.

   Theo ông Mai Đăng Hiếu – Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nhật 2016 là Lễ hội Việt Nhật thường niên được tổ chức lần thứ 3 tại Đà Nẵng, Lễ hội lần này được kỳ vọng sẽ góp phần thắt chặt mối quan hệ sẵn có giữa Đà Nẵng và các địa phương ở Nhật Bản, tạo ra một không gian văn hóa Việt Nhật đặc sắc. Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nhật 2016 bao gồm nhiều hoạt động được tổ chức tại các khu vực khác nhau tại trung tâm thành phố: khu vực gian hàng nhằm trưng bày sản phẩm, giới thiệu văn hóa, thông tin, đặc sản Việt Nam – Nhật Bản; khu vực sân khấu nhằm biểu diễn các hoạt động văn hóa – nghệ thuật đa dạng; các hội thảo xúc tiến du học, đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hành chính; và rất nhiều hoạt động khác.

   Dự kiến có khoảng 75 gian hàng tham gia, trong đó 10 thành phố của Nhật sẽ tham gia lễ hội (Nagasaki, Yokohama, Mitsuke, Narita, Oktawara, Sa kai…); đặc biệt có sự tham gia của Tổng cục xúc tiến du lịch Nhật Bản – JNTO.

   Phần giao lưu ẩm thực với những món ngon của hai nước, trong đó du khách sẽ được trực tiếp nếm thử đặc sản Nhật Bản như Udon, Chanpon, Ramen, cá tươi, bánh Kasutera, thịt bò Nhật Wagyu từ các gian hàng của chính vùng đất Nagasaki…

   Phần văn hóa nghệ thuật sẽ giới thiệu hợp tấu nhạc cụ và biểu diễn trống trận của đoàn nghệ thuật TP Otawara; biểu diễn thả diều, Thư pháp đại tự và điệu nhảy truyền thống Soranbushi của đoàn nghệ thuật TP Mitsuke; nghệ thuật cắm hoa Ikebana, trà đạo Nhật bản…Đặc biệt còn có sự tham gia của các đoàn mang tính chất đặc biệt như: Đoàn đô vật, đoàn Kiếm đạo Nhật bản, đoàn Geisha của vùng Tokyo.

   Ngoài ra còn mở rộng các hình thức văn hóa – nghệ thuật Việt Nam – Nhật Bản như Bài chòi Việt Nam, trưng bày cá Koi Nhật bản…

   Các hoạt động bên lề dự kiến tổ chức đó là: cuộc thi hùng biện tiếng Nhật phạm vi trên toàn thành phố hợp tác với tỉnh Nagasaki; cuộc thi Miss Kimono 2016; trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam, áo cưới phong cách Nhật Bản. Chương trình tour du lịch bằng thuyền Yakata ngược dòng sông Hàn, lên chùa Thiên Thai nhằm tìm về dòng lịch sử giao thương Việt Nhật, Đà Nẵng và Nhật bản đã có từ 400 năm trước.

   Dựa trên thành công của Lễ hội các năm 2014, 2015, dự kiến số lượng khách tham gia Lễ hội năm 2016 sẽ lên đến 30.000 người trong 3 ngày tổ chức.

   Ông Hiếu cũng cho biết thêm, kết hợp hoạt động Lễ hội này, vào ngày 1-8 sẽ khai trương đường bay trực tiếp Osaka – Đà Nẵng và tổ chức động thổ công viên giao lưu văn hóa Việt – Nhật tại Ngũ Hành Sơn.

   Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng yêu cầu cho Sở Ngoại vụ hoàn thiện lại Kế hoạch trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đơn vị tại cuộc họp. Kế hoạch cần phải cụ thể, rõ ràng, có phân công, phân nhiệm.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng.

Khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng 2016

Diễn ra từ ngày 29-4 đến 5-5, tại Công viên Biển Đông, Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2016 sẽ tạo một không gian lễ hội đa dạng mang tính cộng đồng cao với nhiều hoạt động vui chơi giải trí để người dân và du khách dễ dàng tham gia.

Lễ khai mạc & phát động tháng Kiểu mẫu văn minh du lịch biển vào lúc 16h30 ngày 29-4/2016. Tiếp đó là chuỗi các hoạt động giới thiệu tiềm năng du lịch Bán đảo Sơn Trà & các bãi biển (8h00 ngày 27/4/2016 tại Khách sạn Holiday Beach); Chương trình âm nhạc tại sân khấu BNF (19h30 – 22h hằng đêm tại Công viên Biển Đông); đồng diễn Flashmob bikini (17h15– 17h30 ngày 29/4/2016 tại Công viên Biển Đông); Ngày hội miền biển với các hoạt động mang đậm nét ngư dân miền biển: Đua thúng, gánh cá, đan lưới, kéo co dưới nước của các ngư dân ven biển (16h00 – 17h00 ngày 29/4/2016, tại bãi biển trước Công viên Biển Đông); Giải đua Kayak vượt sóng Mỹ Khê lần 3 (16h00 – 17h30 ngày 30-4, Công viên Biển Đông); Vũ điệu thể thao (19h00 – 21h30 ngày 2-5) tại Công viên Biển Đông)…

lehoi

Bên cạnh đó còn có các hoạt động khác diễn ra thường xuyên trong các ngày lễ hội như Triển lãm ảnh đẹp Đà Nẵng & đa dạng sinh học Sơn Trà với các hình ảnh đẹp về Thành phố Đà Nẵng lồng ghép hình ảnh về đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà; Coloring posters DaNang 2016 – Tô màu trên giấy “Chung tay bảo vệ Vooc chà vá chân nâu và hưởng ứng năm văn hóa văn minh đô thị”: Với các bộ hình vẽ về môi trường đặc biệt về loài vooc chà vá chân nâu quí hiếm, qua hoạt động tô màu của các cháu thiếu nhi sẽ gửi thông điệp hiệu quả đến người dân và du khách.

Tạo không gian cho các bậc phụ huynh, các em học sinh sinh viên, người dân và du khách tham gia lễ hội có thêm cơ hội đọc sách, trao đổi sách, kiến thức góp phần hướng ứng phong trào đọc sách, văn hóa đọc của người dân thành phố. Các môn thể thao giải trí biển: với các loại hình thể thao giải trí biển hấp dẫn như Cano kéo dù, phao chuối. Không gian âm nhạc “Puplic drum – piano – vilon”…

Đặc biệt vào lúc 19h00 – 22h00 ngày 1-5 sẽ diễn ra hoạt động Đêm Mỹ Khê, du khách sẽ được khám phá bầu trời đêm trên bãi biển qua kính thiên văn. Chương trình do hội thiên văn Đà Nẵng tổ chức, hướng dẫn học sinh, sinh viên trải nghiệm ngắm bầu trời đêm bằng thiết bị chuyên dụng. Và “Ngày hội Sơn Trà xanh” nhằm hưởng ứng chương trình khai trương mùa du lịch biển năm 2016, góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp tại bán đảo Sơn Trà; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, du khách về bảo vệ môi trường khi tham quan bán đảo Sơn Trà. Thời gian từ 7h00 – 10h00 ngày 3-5.

Nguồn: touris.danang.vn