Phong phú các hoạt động Lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật 2016

Các hoạt động trong Lễ hội giao lưu văn hóa lần Việt – Nhật 2016 cần được hướng đến theo chủ đề chính của từng năm để có sự khác biệt giữa các năm, tránh cảm giác dàn trải, nhàm chán; tùy theo chủ đề chính mà có các hoạt động phù hợp, lưu ý tất cả các hoạt động cần có chiều sâu văn hóa và có sự tương đồng giữa 2 nền văn hóa, làm toát lên đặc trưng của văn hóa Việt – Nhật. Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng tại cuộc họp ngày 26-4 về công tác chuẩn bị Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nhật 2016, từ ngày 29-31/7 tại Cảng Đà Nẵng.

lehoi2

Phó Chủ tịch cũng yêu cầu tổ chức tốt giao lưu ẩm thực, trong đó chú ý việc giới thiệu về nguồn gốc món ăn, cách chế biến, ăn như thế nào cho đúng… để khách tham dự hiểu thêm về nghệ thuật ẩm thực 2 nước. Đồng thời, vào mỗi ngày cần có chương trình “đinh” để có thành phần mời tương ứng với không gian phù hợp; mở rộng thành phần khách mời qua đó mục đích chính vẫn là thu hút đầu tư. Vấn đề đảm bảo vệ sinh, mỹ quan và an toàn trong Lễ hội phải hết sức chú trọng.

   Theo ông Mai Đăng Hiếu – Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nhật 2016 là Lễ hội Việt Nhật thường niên được tổ chức lần thứ 3 tại Đà Nẵng, Lễ hội lần này được kỳ vọng sẽ góp phần thắt chặt mối quan hệ sẵn có giữa Đà Nẵng và các địa phương ở Nhật Bản, tạo ra một không gian văn hóa Việt Nhật đặc sắc. Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nhật 2016 bao gồm nhiều hoạt động được tổ chức tại các khu vực khác nhau tại trung tâm thành phố: khu vực gian hàng nhằm trưng bày sản phẩm, giới thiệu văn hóa, thông tin, đặc sản Việt Nam – Nhật Bản; khu vực sân khấu nhằm biểu diễn các hoạt động văn hóa – nghệ thuật đa dạng; các hội thảo xúc tiến du học, đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hành chính; và rất nhiều hoạt động khác.

   Dự kiến có khoảng 75 gian hàng tham gia, trong đó 10 thành phố của Nhật sẽ tham gia lễ hội (Nagasaki, Yokohama, Mitsuke, Narita, Oktawara, Sa kai…); đặc biệt có sự tham gia của Tổng cục xúc tiến du lịch Nhật Bản – JNTO.

   Phần giao lưu ẩm thực với những món ngon của hai nước, trong đó du khách sẽ được trực tiếp nếm thử đặc sản Nhật Bản như Udon, Chanpon, Ramen, cá tươi, bánh Kasutera, thịt bò Nhật Wagyu từ các gian hàng của chính vùng đất Nagasaki…

   Phần văn hóa nghệ thuật sẽ giới thiệu hợp tấu nhạc cụ và biểu diễn trống trận của đoàn nghệ thuật TP Otawara; biểu diễn thả diều, Thư pháp đại tự và điệu nhảy truyền thống Soranbushi của đoàn nghệ thuật TP Mitsuke; nghệ thuật cắm hoa Ikebana, trà đạo Nhật bản…Đặc biệt còn có sự tham gia của các đoàn mang tính chất đặc biệt như: Đoàn đô vật, đoàn Kiếm đạo Nhật bản, đoàn Geisha của vùng Tokyo.

   Ngoài ra còn mở rộng các hình thức văn hóa – nghệ thuật Việt Nam – Nhật Bản như Bài chòi Việt Nam, trưng bày cá Koi Nhật bản…

   Các hoạt động bên lề dự kiến tổ chức đó là: cuộc thi hùng biện tiếng Nhật phạm vi trên toàn thành phố hợp tác với tỉnh Nagasaki; cuộc thi Miss Kimono 2016; trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam, áo cưới phong cách Nhật Bản. Chương trình tour du lịch bằng thuyền Yakata ngược dòng sông Hàn, lên chùa Thiên Thai nhằm tìm về dòng lịch sử giao thương Việt Nhật, Đà Nẵng và Nhật bản đã có từ 400 năm trước.

   Dựa trên thành công của Lễ hội các năm 2014, 2015, dự kiến số lượng khách tham gia Lễ hội năm 2016 sẽ lên đến 30.000 người trong 3 ngày tổ chức.

   Ông Hiếu cũng cho biết thêm, kết hợp hoạt động Lễ hội này, vào ngày 1-8 sẽ khai trương đường bay trực tiếp Osaka – Đà Nẵng và tổ chức động thổ công viên giao lưu văn hóa Việt – Nhật tại Ngũ Hành Sơn.

   Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng yêu cầu cho Sở Ngoại vụ hoàn thiện lại Kế hoạch trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đơn vị tại cuộc họp. Kế hoạch cần phải cụ thể, rõ ràng, có phân công, phân nhiệm.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *